CÓ ĐƯỢC BÁN NHÀ KHI ĐỒNG SỞ HỮU MẤT NĂNG LỰC HÀNH VI DÂN SỰ KHÔNG?

Theo Luật sư Phan Thụy Khanh, Phó trưởng Văn phòng Luật sư Phong & Partners cho biết, căn cứ theo Điều 22 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về mất năng lực hành vi dân sự nêu rõ, khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần. 
Khi không còn căn cứ tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự. 
Ngoài ra, giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.
Từ quy định trên, Luật sư cho hay, một người chỉ bị coi là mất năng lực hành vi dân sự khi có quyết định của Tòa án tuyên bố người này bị mất năng lực hành vi dân sự dựa trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần. Đồng thời, người có quyền, lợi ích liên quan hoặc cơ quan, tổ chức hữu quan là những chủ thể có quyền yêu cầu Toà án ra quyết định tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự.
Theo đó, trước tiên người chồng hoặc vợ cần nộp đơn yêu cầu Tòa án tuyên bố người đồng sở hữu tài sản đã mất năng lực hành vi dân sự. Sau khi có quyết định của Tòa án tuyên bố người đồng sở hữu tài sản đã mất năng lực hành vi dân sự thì mới có thể thực hiện các thủ tục pháp lý tiếp theo để có thể tiến hành giao dịch liên quan đến nhà đất. Đồng thời, kèm theo đơn yêu cầu cần có các tài liệu sau:
- Tài liệu của cơ quan có thẩm quyền chứng minh tình trạng của người bị yêu cầu tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự về việc bị bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi;
- Giấy khai sinh, căn cước công dân, giấy đăng ký kết hôn của người bị yêu cầu tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự;
- Căn cước công dân, tài liệu chứng minh người yêu cầu là người có quyền yêu cầu;
- Tài liệu khác có liên quan.
Cũng theo Luật sư, sau khi Toà án ra quyết định tuyên bố người đồng sở hữu tài sản là người mất năng lực hành vi dân sự, trường hợp quyết định đã chỉ định người giám hộ thì gia đình người đồng sở hữu tài sản tiếp tục thực hiện thủ tục đăng ký người giám hộ và giám sát việc giám hộ tại UBND cấp xã. Nếu quyết định chưa chỉ định, thì người chồng hoặc vợ sẽ là người giám hộ đương nhiên của người đồng sở hữu tài sản và gia đình vẫn thực hiện thủ tục đăng ký tương tự như trên.
Theo Điều 46 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về giám hộ nêu rõ, giám hộ là việc cá nhân, pháp nhân được luật quy định, được Ủy ban nhân dân cấp xã cử, được Tòa án chỉ định hoặc được quy định tại khoản 2 Điều 48 của Bộ luật này (sau đây gọi chung là người giám hộ) để thực hiện việc chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi (sau đây gọi chung là người được giám hộ).
Việc giám hộ phải được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về hộ tịch.
Người giám hộ đương nhiên mà không đăng ký việc giám hộ thì vẫn phải thực hiện nghĩa vụ của người giám hộ.
Cũng theo Điều 49 Bộ luật Dân sự 2015 thì cá nhân có đủ các điều kiện sau đây có thể làm người giám hộ:
- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
- Có tư cách đạo đức tốt và các điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.
- Không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án nhưng chưa được xoá án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác.
- Không phải là người bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con chưa thành niên.
Về người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự, Điều 53 Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định, trường hợp không có người giám hộ theo quy định tại khoản 2 Điều 48 của Bộ luật này thì người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự được xác định như sau: "Trường hợp vợ là người mất năng lực hành vi dân sự thì chồng là người giám hộ; nếu chồng là người mất năng lực hành vi dân sự thì vợ là người giám hộ”.
Ngoài ra, tại khoản 3 Điều 24 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 có quy định về căn cứ xác lập đại diện giữa vợ và chồng trong trường hợp chồng mất năng lực hành vi dân sự mà vợ có đủ điều kiện làm người giám hộ. Cụ thể, vợ, chồng đại diện cho nhau khi một bên mất năng lực hành vi dân sự mà bên kia có đủ điều kiện làm người giám hộ hoặc khi một bên bị hạn chế năng lực hành vi dân sự mà bên kia được Tòa án chỉ định làm người đại diện theo pháp luật cho người đó, trừ trường hợp theo quy định của pháp luật thì người đó phải tự mình thực hiện quyền, nghĩa vụ có liên quan.
Theo các quy định nêu trên, sau khi có quyết định của Toà án tuyên bố người đồng sở hữu tài sản mất năng lực hành vi dân sự, chồng hoặc vợ là người giám hộ đương nhiên của người đồng sở hữu tài sản, hay nói khác hơn, là người đại diện theo pháp luật của người đồng sở hữu tài sản để tiến hành các giao dịch dân sự liên quan.
Bản chất của việc giám hộ là nhằm đảm bảo quyền lợi của người được giám hộ. Do đó, pháp luật đã đặt ra các quy định chặt chẽ nhằm giám sát đối với người giám hộ khi thực hiện việc giám hộ và các giao dịch liên quan đến tài sản của người được giám hộ. Những quy định này nhằm tránh tình trạng lạm dụng quyền của người giám hộ, đảm bảo mọi quyết định liên quan đến tài sản của người được giám hộ đều nhằm phục vụ lợi ích tốt nhất cho người được giám hộ. 
Như vậy, để thực hiện việc chuyển nhượng quyền sở hữu nhà đất thuộc sở hữu chung của vợ chồng thì cần thực hiện các thủ tục yêu cầu Toà án tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự, đăng ký người giám hộ, giám sát việc giám hộ; đồng thời việc chuyển nhượng này phải được sự chấp thuận của người giám sát việc giám hộ nhằm đảm bảo tính hợp pháp của giao dịch và bảo vệ tối đa quyền lợi của người được giám hộ.
Bài viết được đăng trên Tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam ngày 15/03/2025.
 

Tin tức liên quan

HỢP ĐỒNG MUA BÁN CĂN HỘ CHUNG CƯ THỎA THUẬN GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP TẠI TRUNG TÂM TRỌNG TÀI, CÓ THỂ KHỞI KIỆN TẠI TÒA ÁN ĐƯỢC KHÔNG ?

HỢP ĐỒNG MUA BÁN CĂN HỘ CHUNG CƯ THỎA THUẬN GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP TẠI TRUNG TÂM TRỌNG TÀI, CÓ THỂ KHỞI KIỆN TẠI TÒA ÁN ĐƯỢC KHÔNG ?

*Bạn đọc hỏi: ông Nguyễn Anh Vũ, trú tại Quận 8 (TP Hồ Chí Minh) hỏi: Vào tháng 5/2019, vợ chồng tôi có mua căn hộ chung cư của Công ty X., dự kiến đến tháng 6-2020 sẽ nhận bàn giao nhà. Tuy nhiên đến nay, đã quá thời hạn thỏa thuận nhưng dự án này vẫn chưa được hoàn thiện, bàn giao. Vì không thể chờ đợi thêm, vợ chồng tôi muốn chuyển sang mua căn hộ ở dự án khác để sớm ổn định chỗ ở, nên tôi đã nhiều lần yêu cầu Công ty X. hoàn trả khoản tiền vợ chồng tôi đã thanh toán và bồi thường theo Hợp đồng mua căn hộ (gọi tắt là HĐ) đã ký nhưng không được giải quyết. Tôi dự định sẽ khởi kiện ra Tòa án thì được tư vấn phải khởi kiện tại Trung tâm trọng tài (TTTT) vì điều khoản giải quyết tranh chấp trong HĐ có nội dung “mọi tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng sẽ được giải quyết tại TTTT”. Thực tế đây là mẫu HĐ chung được soạn sẵn mà Công ty X. dùng để ký kết với toàn bộ khách hàng, tôi và vợ chỉ kiểm tra thông tin gắn liền với căn hộ mà mình muốn mua, còn các nội dung khác được áp dụng thống nhất, nên bản thân tôi không để ý và cũng không được Công ty X. thông báo trước về điều khoản giải quyết tại TTTT khi phát sinh tranh chấp. Đến nay, khi kiểm tra lại HĐ đã ký, tôi tìm hiểu và được biết chi phí giải quyết tại TTTT cao hơn nhiều so với Tòa án. Vậy tôi có thể khởi kiện tại Tòa án hay bắt buộc phải yêu cầu giải quyết tại TTTT như trong HĐ ?

NHÀ ĐẤT CHA MẸ TẶNG CHO CON, CÓ ĐÒI LẠI ĐƯỢC KHÔNG?

NHÀ ĐẤT CHA MẸ TẶNG CHO CON, CÓ ĐÒI LẠI ĐƯỢC KHÔNG?

*Bạn đọc hỏi: ông Đặng T., trú tại Q.Hải Châu (TP Đà Nẵng) hỏi: Vợ chồng tôi chỉ có duy nhất một người con trai, con lập gia đình nên vợ chồng tôi lập hợp đồng tặng cho con trai đất và nhà, chính là căn nhà vợ chồng tôi đang sinh sống. Hợp đồng đã được công chứng nhưng do thời điểm đó, vợ chồng tôi bị tai nạn giao thông nên chúng tôi vẫn chưa thực hiện thủ tục sang tên. Gần đây, tôi phát hiện ra con trai chúng tôi nghiện cá độ bóng đá, không tu chí làm ăn và vợ chồng con trai cũng không hạnh phúc. Nay tôi không muốn cho nhà đất này nữa, tôi sợ con trai tôi vì mê cá độ mà bán nhà thì cả gia đình tôi sẽ không có chỗ ở. Cho hỏi, tôi có đòi lại được nhà đất không?

CÓ ĐƯỢC CHUYỂN NHƯỢNG CĂN HỘ CHUNG CƯ KHI CHƯA CÓ SỔ HỒNG?

CÓ ĐƯỢC CHUYỂN NHƯỢNG CĂN HỘ CHUNG CƯ KHI CHƯA CÓ SỔ HỒNG?

*Bạn đọc hỏi: Ông Cristus, trú tại Quận 2, TP. HCM hỏi: Vợ chồng tôi có mua một căn hộ chung cư từ chủ đầu tư dự án X. ở Quận 2, TP. HCM nhưng chưa có sổ hồng. Nay chúng tôi muốn chuyển nhượng căn hộ cho người khác nhưng không biết thủ tục như thế nào. Tôi lo lắng liệu giao dịch này có hợp pháp hay không và cần phải lưu ý những vấn để gì để thực hiện đúng quy định?

Zalo